Để bớt nghèo


Thứ Ba, 21/12/2010, 08:47 (GMT+7)

TT – Nhà nước cần đánh giá lại chất lượng sống của người dân bằng nhiều chỉ số, từ đó giúp người dân thụ hưởng an sinh xã hội nhiều hơn… Đó là những ý kiến của chuyên gia và bạn đọc sau kết quả nghiên cứu của UNDP về nghèo đô thị ở TP.HCM và Hà Nội.

“Nhờ” UNDP “bày vẽ” mà nay đứng trước kết luận gây chưng hửng: TP.HCM nghèo hơn TP Hà Nội với vô vàn chứng cứ đo lường xã hội học qua các điều tra về sự thụ hưởng phúc lợi xã hội của người dân hai TP lớn này (có được đi học, chữa bệnh hay không, đi học, chữa bệnh ra sao, công ăn việc làm cơ cực lắm không…).

Những khái niệm “con người” hơn

Các kết quả điều tra như “2,3% số trẻ trong độ tuổi 10-14 có hoạt động kinh tế và nhiều em là dân di cư”, hoặc “thu nhập bình quân một người/tháng của dân di cư vào khoảng 5/6 mức thu nhập của dân thường trú”, hay “69,7% dân số từ 15 tuổi trở lên chưa qua các trường lớp đào tạo chuyên môn”, trong đó “ở Hà Nội là 57,5%, ở TP.HCM là 76,1%, cao hơn Hà Nội”… chính là những “chưng hửng” cần thiết để có thể tự điều chỉnh.

Chưng hửng vì vẫn quen với những tự đánh giá là “đầu tàu kinh tế, công nghiệp của cả nước”? Chưng hửng khi các đánh giá vẫn thuần túy dựa trên con số GDP những mấy ngàn USD/đầu người, tỉ lệ tăng trưởng những hai chữ số cùng vô vàn bảng biểu thống kê… Chính từ cách đánh giá duy số liệu đó mà dễ nảy ra, đề ra những mục tiêu mang tính số liệu thay vì nhìn thấy sự giàu/nghèo của xã hội bằng những khái niệm “con người” hơn, như khái niệm chất lượng cuộc sống…

Trong khi đó, trên thế giới từ rất lâu rồi nhiều nước đã điều hành đất nước bằng khái niệm chất lượng cuộc sống. Ít nhất ở Pháp đã lập nên Bộ Chất lượng cuộc sống (Ministère de la Qualité de la vie) từ ngày 27-5-1974, tức 36 năm trước. Sau này do tập trung thước ngắm vào bài toán môi trường của xã hội công nghiệp mà người Pháp đã gắn chất lượng cuộc sống với môi trường để tạo nên một bộ ghép hai chức năng này: Bộ Môi trường và khuôn khổ cuộc sống.

Để nâng chất lượng cuộc sống

Các thí dụ trên cho thấy việc điều hành đất nước từ rất lâu rồi luôn nằm trong toàn bộ nội dung của cụm từ “kinh bang tế thế” chứ không chỉ rút gọn trong hai từ “kinh tế” với điệp khúc bất hủ GDP.

Thật ra không đợi các nhà nước, các xã hội mới mang an sinh xã hội hay giúp nâng chất lượng cuộc sống đến người dân mà chính các kiến trúc sư như Le Corbusier đã làm trước khi định nghĩa thế nào là đô thị hóa ở Hội nghị quốc tế kiến trúc hiện đại (CIAM) ngay từ năm 1931: “Các chất liệu của đô thị hóa, theo thứ tự, chính là mặt trời, khoảng không, thép, hồ vữa, bêtông, và chỉ theo trật tự đó mà thôi”. Nếu không có quy tắc ấy của Le Corbusier, các đô thị đã chỉ còn là những thành phố “hộp quẹt diêm”.

Điều này đã diễn ra ở quá nhiều nơi, kể cả ở VN ngay trong lúc này với không ít chung cư cũ và mới. Một chuyên gia mổ tim, ông Alain Carpentier, 20 năm trước đã đem một chất lượng khác của cuộc sống vào VN chứ không chỉ chuyển giao kỹ thuật, và nay điều ấy đã được nhân rộng: mổ tim cứu sống, giải quyết bệnh tim cho bao vạn người. Khoa học, kỹ thuật là để nâng chất lượng cuộc sống chứ không ngược lại. Kinh tế cũng thế.

Bắt đầu là điều tra xã hội học để mô tả xã hội mà bao triệu người dân đang sống chứ không để “minh họa bức tranh muốn vẽ”. Mô tả càng sai mục đích, càng mơ hồ, càng thiếu chính xác, cho dù là một li, đến khi quyết định, điều chỉnh sẽ càng sai, sai những cả dặm.

ĐÀO DANH ĐỨC

Nghèo thụ hưởng, nghèo quyền lựcKết quả này bất ngờ vì theo quan niệm lâu nay của giới quản lý và của không ít người nghèo đói thường chỉ được đo lường qua hai khía cạnh là thu nhập và chi tiêu. Chính quan niệm nghèo như vậy nên ta mới đặt ra chuẩn nghèo hoàn toàn dựa vào mức thu nhập. Thế nhưng với các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu, cách nhìn về nghèo đói lại đa diện hơn rất nhiều, do đó nghèo đói không chỉ thể hiện qua thu nhập mà còn là nghèo về tiếp cận các dịch vụ căn bản hay nghèo thụ hưởng và nghèo về quyền lực nữa.

Kết quả khảo sát trên là một lời nhắc nhở cho giới quản lý và những người làm chính sách rằng từ đây họ phải thay đổi về quan niệm nghèo, các chiến lược giảm nghèo. Bởi chính sách giảm nghèo không thể chỉ là nhắm vào việc tăng thêm thu nhập cho vượt chuẩn nghèo như lâu nay nữa, mà còn phải làm sao cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ căn bản phục vụ cuộc sống bình thường của những người nghèo.

Giả sử chúng ta cải thiện được thu nhập, giúp họ có mức thu nhập vượt chuẩn nghèo nhưng nếu họ phải sử dụng điện nước với giá cao, không thể tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục hoặc tiếp cận được với giá cả quá cao thì thật sự họ vẫn là những người nghèo. Nghèo không chỉ là thu nhập thấp mà còn nghèo vì tiếng nói không có trọng lượng, không được tính đến trong các chính sách được ban hành. Từ đó phải gánh chịu nhiều thiệt thòi khi chính sách được thực thi và đó là cái nghèo về quyền được lắng nghe, quyền được tôn trọng.

Chỉ khi nào chúng ta giảm nghèo về khả năng tiếp cận và nghèo về quyền lực mới có thể nói là giảm nghèo thành công, do đó phải làm sao cho nhóm nghèo có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ căn bản, biết giúp họ có cơ hội nói lên tiếng nói của mình và được lắng nghe thì lúc đó họ mới thật sự vượt nghèo. Khi đó chúng ta mới thật sự giảm nghèo một cách bền vững được.

LÊ MINH TIẾN

About Việt Thành

Tôi quan tâm đến các nghiên cứu xã hội học, nhân học và lịch sử...Hy vọng có thể chia sẻ cùng mọi người mối quan tâm này cũng như trao đổi tư liệu nghiên cứu, chia sẻ những câu chuyện cuộc đời đến với tất cả mọi người.
This entry was posted in Kinh tế đô thị, Ths. Lê Minh Tiến, Xã hội học và các vấn đề xã hội, Xã hội học đô thị, Đô thị học. Bookmark the permalink.

Leave a comment